Howard Marks là đồng chủ tịch và sáng lập Công ty quản lý vốn Oaktree. Ông còn nổi tiếng trong cộng đồng nhà đầu tư giá trị với triết lý đầu tư và quản trị rủi ro đã được chứng minh qua thành tích đáng ngưỡng mộ suốt nhiều năm. Đồng thời, ông còn là tác giả với các đầu sách về đầu tư nổi tiếng như Điều quan trọng nhất, Phân tích thị trường chứng khoán.
Cuốn Phân tích thị trường chứng khoán (tên gốc Mastering the market cycle) là một cuốn cẩm nang về đầu tư không thể thiếu nếu bạn muốn thành công dài hạn trên thị trường chứng khoán đầy rủi ro và khắc nghiệt. Sau đây, chúng ta hãy cùng điểm qua những ý tưởng quan trọng nhất của cuốn sách gối đầu giường này nhé.
(Trích từ Chương 18: Điều cốt lõi của chu kỳ)
"Sự thành công trong đầu tư giống như lựa chọn một người trúng số độc đắc. Cả hai đều được xác định bới một tấm vé (kết quả) từ việc quay xổ số (phạm vi các kết quả có khả năng xảy ra). Trong mỗi trường hợp, một kết quả duy nhất được chọn trong số rất nhiều điều có khả năng xảy ra.
Những nhà đầu tư vượt trội là những người có khả năng phán đoán tốt hơn về những tấm vé số trong vòng quay và do đó, họ quyết định liệu có đáng quay xổ số hay không. Nói một cách khác, dù những nhà đầu tư tài ba - cũng giống như những nhà đầu tư khác - không biết được chính xác tương lai, họ vẫn có hiểu biết ở mức trên trung bình về các xu hướng trong tương lai.
Ưu thế thay đổi khi vị thế của chúng ta trong chu kỳ thay đổi. Nếu không thay đổi quan điểm đầu tư theo những sự thay đổi đó thì chúng ta sẽ rơi vào cảnh bị động trong chu kỳ. Nói một cách khác, khi đó chúng ta đã bỏ qua cơ hội giành lấy lợi thế về mình. Nếu sử dụng một số hiểu biết về chu kỳ, chúng ta có thể tăng tiền cược và rót chúng vào các khoản đầu tư quyết liệt hơn - khi tỷ lệ cá cược đang có lợi cho chúng ta, hoặc ta có thể rút tiền ra khỏi cuộc chơi và tăng khả năng phòng thủ khi tỷ lệ cược đang ở thế bất lợi.
Theo quan điểm của tôi, cách tốt nhất để có thể tối ưu hoá việc định vị một danh mục đầu tư ở một thời điểm nhất định là thiết lập sự cân bằng giữa đầu tư theo xu hướng tấn công và đầu tư theo xu hướng phòng thủ. Và tôi tin rằng sự cân bằng giữa tấn công/ phòng thủ nên được điều chỉnh theo thời gian để đáp ứng với những thay đổi về trạng thái của môi trường đầu tư, nơi chứa đựng những yếu tố chu kỳ.
Từ khoá cần chú ý tới là "điều chỉnh". Tổng số tiền mà bạn đầu tư, sự phân bổ vốn của bạn giữa các khả năng khác nhau, và những rủi ro đối với tài sản bạn nắm giữ - tất cả nên được điều chỉnh liên tục, khi bạn chuyển từ đầu tư theo xu hướng tấn công sang đầu tư theo xu hướng phòng thủ... Khi chúng ta nhận thấy giá trị rẻ thì nên quyết liệt đầu tư, khi chúng ta nhận thấy giá trị đắt thì nen rút lại. Điều chỉnh vị thế của một danh mục đầu tư là nội dung chủ yếu của cuốn sách này.
Điểm mấu chốt là trong thế giới của các nhà đầu tư, chu kỳ lên và xuống, trong quả lắc thì dao động nhịp nhàng trước sau. Dao động của chu kỳ và quả lắc có nhiều hình thức và liên quan đến rất nhiều các hiện tượng khác nhau, nhưng lý do cơ bản của chúng - cũng như những kiểu mẫu mà chúng ta tạo ra - lại có nhiều điểm chung, chúng có xu hướng khá nhất quán trong thời gian dài. Hoặc theo câu nói được cho là của Mark Twain (dù không có bằng chứng nào cho thấy ông thực sự nói), thì: "Lịch sử không tự lặp lại chính nó, nhưng nó cứ vần vần như vậy".
Cho dù Twain có là người phát biểu hay không thì câu nói trên cũng đã tóm tắt phần lớn nội dung mà cuốn sách này đề cập đến. Chu kỳ rất đa dạng về mặt nguyên do và chi tiết, thời điểm và độ dài, nhưng sự lên xuống (và những lý do tạo ra chúng) sẽ xảy ra không bao giờ dứt, tạo ra những thay đổi trong môi trường đầu tư - và do đó cũng kéo theo sự thay đổi trong hành vi đầu tư.
Thực tế là hiệu suất của những vấn đề này bị tác động mạnh trong ngắn hạn bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự tham gia của con người, và hành động của con người thì không hề ổn định. Hành động của con người thường xuyên thay đổi theo thời gian, bởi vì những thứ mà ta có thể tóm lại trong một từ "tâm lý". Do vậy, hành vi con người chắc chắn thay đổi, nhưng đôi khi các hành vi cũng thay đổi vì không có sự thay đổi của môi trường.
Chu kỳ dao động xung quanh một điểm giữa. Điểm giữa của một chu kỳ nhìn chung được coi như một xu thế trường kỳ, một tiêu chuẩn, một giá trị cân bằng, một điểm trung bình hoặc "điểm cân bằng giữa hai thái cực", và nói chung là phù hợp với tinh thần "đúng đắn và hợp lý". Mặt khác, các điểm cực trong chu kỳ được xem như những điểm khác thường hoặc điểm vượt giới hạn để từ đó quay về. Dù những điều mang tính chu kỳ thường ở trên hoặc ở dưới điểm giữa hầu hết thời gian, thì nguyên tắc phổ biến vẫn là sự vận động cuối cùng sẽ hướng về điểm trung bình. Sự vận động từ điểm cực đại hoặc điểm cực tiểu hướng về điểm giữa thường được mô tả như "sự hồi quy về điểm trung bình", một xu hướng mạnh mẽ và hợp lý trong hầu hết các hiện tượng của cuộc sống. Nhưng ta có thể hiểu rằng các kiểu mẫu có tính chu kỳ nhìn chung sẽ bao gồm các vận động đi từ điểm giữa hướng về điểm cực tiềm năng, cũng như các vận động đi từ một điểm cực hướng về điểm giữa.
Nhìn chung, một điểm giữa hợp lý sẽ tạo ra một lực hút, kéo tất cả mọi thứ trong chu kỳ quay trở lại, đi từ những điểm cực trở về hướng "thông thường". Nhưng sự thông thường ít khi duy trì được trong một thời gian dài, vì những tác động khiến sự dao động hướng về điểm giữa tiếp tục diễn ra, và do đó dao động sẽ đi từ một điểm cực vượt qua điểm cân bằng và tiếp tục hướng về điểm cực đối lập.
Điều quan trọng là nhận ra và thừa nhận độ tin cậy của kiểu mẫu này. Các đặc điểm luôn biến đổi, nhưng các động lực cơ bản thường luôn giống nhau.
Những tín hiệu cảnh báo khi mỗi lần hiện tượng bùng nổ/phá sản xảy ra là những chủ đề chung mang tính tổng quát sau đây: sự lạc quan thái quá là một điều rất nguy hiểm; thận trọng với rủi ro là một yếu tố cần thiết để thi trường an toàn; và sự quá hào phóng của thị trường vốn cuối cùng sẽ dẫn đến hoạt động tài chính thiếu khôn ngoan, do vậy khiến cho những người tham gia gặp nguy hiểm. Tóm lại, những chi tiết không quan trọng và có thể không liên quan. Nhưng chủ đề chung lại rất cần thiết và chúng hoàn toàn có xu hướng tái diễn. Hiểu được xu hướng đó - và có thể phát hiện thấy sự tái diễn - là một trong những yếu tố quan trọng nhất cần có để đối phó với các chu kỳ.
Càng rời xa điểm giữa, chu kỳ càng có nhiều nguy cơ gây hỗn loạn - ví dụ như tiến tới điểm khác thường hoặc điểm vượt giới hạn. Dao động càng hướng gần đến một điểm cực, thì sự dao động ngược trở lại càng trở nên mãnh liệt và có thể gây ra nhiều thiệt hại, bởi vì những hành động được thúc đẩy bới sự vận hành của chu kỳ tại điểm cực sẽ không phù hợp khi ta quay trở lại những vị trí khác trong chu kỳ.
Nói cách khác, nguy cơ hỗn loạn sẽ tăng lên khi sự vạn động tiến xa điểm cân bằng, bởi nền kinh tế và các công ty khi đó hoạt động "quá tốt" và giá cổ phiếu tăng "quá cao". Sự tăng trưởng chỉ dẫn tới những điều chỉnh đơn thuần, và theo sau thị trường giá lên là thị trường giá giảm. Nhưng tình trạng bùng nổ và bong bóng lại kéo theo những tàn phá, đổ vỡ và hoảng loạn.
Hầu hết mọi người nghĩ chu kỳ là một chuỗi các sự kiện nối tiếp nhau theo một trình tự thông thường: Sau dao động đi lên là dao động đi xuống, và cuối cùng sau đó là một dao động đi lên mới. Nhưng để có được một cái nhìn toàn diện về chu kỳ, chỉ như vậy là chưa đủ. Các sự kiện trong vòng đời của chu kỳ không đơn thuần là sự kiện nối tiếp sự kiện, mà quan trọng hơn hẳn thế, sự kiện này là nguyên nhân gây ra sự kiện tiếp theo.
Những thứ mà tôi gọi là chu kỳ không hoàn toàn xuất phát (hoặc thậm chí không hề liên quan) từ hoạt động của những quy trình cơ học, khoa học và vật lý. Nếu vậy thì chúng đã chắc chắn và dễ dự đoán hơn nhiều – nhưng trong trường hợp đó, khả năng sinh lời sẽ ít hơn. (Bởi vì những khoản lợi nhuận lớn nhất đến từ việc ta có thể nhìn nhận mọi thứ tốt hơn người khác, nếu chu kỳ hoàn toàn chắc chắn và có thể dự đoán được thì việc nhìn nhận được chúng chẳng hề khiến ta trở nên vượt trội.) Đôi khi ta có một nguyên tắc cơ bản (và đôi khi không), nhưng sự biến đổi chủ yếu là do vai trò của con người trong việc hình thành chu kỳ. Sự tham gia của con người trong quá trình này khiến những xu hướng bị tác động bởi cảm xúc và tâm lý của họ ảnh hưởng đến các hiện tượng mang tính chu kỳ. Những cơ hội hay sự ngẫu nhiên cũng đóng vai trò quan trọng trong một vài chu kỳ, và hành vi của con người cũng góp phần khiến chu kỳ tồn tại. Con người là lý do chính khiến chu kỳ tồn tại, ngoài ra, cùng với tính ngẫu nhiên, sự không nhất quán và không chắc chắn của họ cũng đã sinh ra chu kỳ. Nỗ lực giải thích cuộc sống thông qua việc nhận diện các kiểu mẫu và từ đó đưa ra các công thức chiến thắng thường sẽ rất phức tạp, bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới bị bao vây bởi các yếu tố ngẫu nhiên và mọi người không cư xử giống nhau trong các tình huống, ngay cả khi họ có dự định trước. Việc nhận ra rằng các sự kiện quá khứ bị ảnh hưởng lớn bởi những điều trên – và do đó những sự kiện tương lai không thể dự đoán đầy đủ được – thật không dễ chịu gì, vì nó khiến cuộc sống khó dự kiến hơn, khó đưa ra các nguyên tắc và khó được an toàn. Do vậy, con người tìm kiếm những lời giải thích để các sự kiện trở nên dễ hiểu... đến nỗi ta đã làm thái quá, không còn hợp lý. Điều này đúng trong đầu tư, và cũng đúng trong các khía cạnh khác của cuộc sống.
Tại sao vấn đề quá lắc lại quan trọng đến vậy? Xét về bản chất, việc chu kỳ có xu hướng đi lên hoặc đi xuống quá mạnh phần lớn đến từ – và đại diện cho – những hành động chịu tác động thái quá của tâm lý.
Trong kinh doanh, những chu kỳ tài chính và chu kỳ thị trường khi thì đi lên quá mức, khi lại đi xuống quá mức. Chúng là kết quả của những dao động quá lắc quá đà trong tâm lý. Vì vậy, việc hiểu và cảnh giác trước những thay đổi thái quá là một trong những yêu cầu đầu tiên để tránh khỏi những tác hại từ các cực điểm mang tính chu kỳ, và hy vọng là ta có thể thu lại lợi nhuận từ chúng.
Những tiêu chuẩn về sự tăng trưởng và sự định giá có thể hiểu là “đúng đắn” và “lành mạnh”. Và nếu các nhà đầu tư xây dựng các hành vi của họ xung quanh các tiêu chuẩn này - thay vì nuôi hy vọng đạt được nhiều hơn và cuối cùng lại khiến kết quả sụt giảm - thì thế giới sẽ trở nên ổn định hơn, bớt náo động và ít xảy ra sai lầm hơn. Nhưng đó lại không phải bản chất của vạn vật trên đời.
Tất cả dường như rất rõ ràng: Các nhà đầu tư hiếm khi duy trì được vị thế khách quan, lý trí, trung lập và ổn định. Đầu tiên, họ thể hiện các mức độ cao của sự lạc quan, tham lam, chấp nhận rủi ro và đầy tin tưởng, và hành vi sau đó của họ làm giá cổ phiếu tăng, lợi suất tiềm năng giảm và mức rủi ro tăng cao.
Nhưng sau đó, vì một vài lý do - có lẽ vì sự xuất hiện của một đỉnh điểm - họ chuyển sang bi quan, sợ hãi, đè phỏng rủi ro và hoài nghi. Điều này khiến cho giá cổ phiếu giảm xuống, lợi suất trong tương lai tăng và mức rủi ro giảm.Đáng chú ý rằng mỗi một nhóm hiện tượng thường xảy ra đồng loạt và sự dao động từ vị trí này sang vị trí khác thường biến động lớn hơn bản chất của chúng.
Đây là một điều điển rõ. Trong thế giới thực, mọi thứ nhìn chung dao động giữa “khá tốt” và “không quá tuyệt”. Nhưng trong thế giới đầu tư, nhận thức thường xuyên dao động giữa “hoàn hảo” và “vô vọng”. Sự chuyển động của quá lắc luôn đi từ điểm cực này sang điểm cực khác, hầu như không dừng lại ở “điểm cân bằng giữa hai thái cực”, và gần như chỉ duy trì sự hợp lý trong một chừng mực rất ít. Đầu tiên là phủ nhận, và sau đó là đầu hàng.
Ở những biến động cực hạn nhất trong dao động của quá lắc, một quá trình có thể xuất hiện dưới dạng một vòng tròn đi lên mãi hoặc một vòng tròn đi xuống mãi. Khi các sự kiện trước hết được thống trị bởi tinh thần tích cực và tâm lý màu hồng, những phát triển tiêu cực có xu hướng bị bỏ qua, mọi thứ đều được diễn giải một cách thuận lợi và dường như chẳng điều gì có thể trở nên tồi tệ hơn. Nhưng mặt khác, khi mọi thứ diễn ra theo chiều hướng xấu trong vài tháng hoặc vài năm thì tâm lý trở nên đặc biệt tiêu cực, và nguy cơ là những sự phát triển có thể bị lãng quên.
Các nhà đầu tư vượt trội – những người chống lại được những tác động bên ngoài, có thể duy trì cảm xúc cân bằng và hành động lý trí – nhận thấy được các sự kiện tích cực lẫn sự kiện tiêu cực. Họ đánh giá các sự kiện một cách khách quan và phân tích chúng một cách độc lập. Nhưng thực tế là đôi khi sự hào hứng và lạc quan là nguyên nhân khiến phần lớn các nhà đầu tư nhìn nhận sự việc tích cực hơn so với mức bảo đảm, và đôi khi sự trầm lắng và bi quan khiến họ chỉ nhìn thấy những điều xấu và diễn giải các sự kiện một cách tiêu cực. Từ chối không hành động như vậy là một trong những bí quyết để thành công trong đầu tư.
Thông thường, khi một trong hai thái cực lên cao, ta rất dễ quan sát hiện tượng đó, dẫn tới việc “lời gợi ý” dành cho các nhà đầu tư hẳn cũng rất rõ ràng đối với những con người có đôi mắt khách quan. Nhưng tất nhiên, sự dao động của quả lắc thị trường tới một trong hai điểm cực xảy ra chỉ vì lý do rất đơn giản, đó là tâm lý của hầu hết những người tham gia vào thị trường đều di chuyển theo cùng một hướng, đúng chuẩn xu thế đám đông.
Quan điểm của tôi rằng rủi ro là yếu tố chính trong đầu tư khiến tôi đưa ra kết luận là bất cứ thời điểm nào, cách các nhà đầu tư cùng nhìn nhận rủi ro và đưa ra những cư xử dựa theo nó có tầm quan trọng rất lớn trong việc hình thành môi trường đầu tư – nơi chúng ta hoạt động. Và trạng thái của môi trường là chìa khóa xác định chúng ta nên cư xử như thế nào đối với rủi ro tại thời điểm đó. Việc xác định vị trí của thái độ đối với rủi ro trong chu kỳ thái độ có lẽ là chủ đề quan trọng nhất của cuốn sách này.
Những thời điểm tốt đẹp có thể khiến con người hành xử lạc quan hơn, bớt thận trọng và thực hiện các khoản đầu tư mà lợi suất không đủ để bù đắp rủi ro. Hơn nữa, bởi vì các nhà đầu tư bớt bi quan và bớt cảnh giác, họ thường có xu hướng không đoái hoài tới những khoản đầu tư ở mức an toàn trên tiến trình liên tiếp của rủi ro/lợi nhuận. Sự kết hợp các yếu tố này khiến mức giá của các tài sản rủi ro lớn hơn các tài sản an toàn. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi các khoản đầu tư thiếu khôn ngoan lại thường được thực hiện tại những thời điểm tốt đẹp hơn là những lúc khó khăn. Con người thường có xu hướng thực hiện những khoản đầu tư rủi ro vào các thời điểm tốt, ngay cả khi mức giá cao hơn cho khoản đầu tư mạo hiểm có thể có nghĩa là phần bù đắp cho rủi ro ít ỏi hơn so với những thời điểm nhà đầu tư cảnh giác với rủi ro. Khi các sự kiện tiêu cực xảy ra, việc không có phần bù rủi ro thỏa đáng và biên sai lầm không đủ lớn đã chứng minh các khoản đầu tư này là thiếu sáng suốt.
Tiếp sau những điều trên là rủi ro thực chất sẽ ở mức cao trong khi các nhà đầu tư cảm thấy rủi ro chỉ ở mức thấp. Và phần bù đắp cho rủi ro chỉ ở mức tối thiểu trong khi rủi ro lại đang ở mức cao nhất (có nghĩa là khi phần bù rủi ro trở nên cần thiết nhất). Đâu tư gì mà lý trí đến vậy cơ chứ!
Đối với tôi, điều quan trọng nhất trong số tất cả những điều trên chính là: Khoản đầu tư rủi ro nhất xuất hiện khi người ta tin rằng chẳng hề có rủi ro. Sự chấp nhận rủi ro diễn ra trên phạm vi rộng – tức nhà đầu tư dễ dãi đối với rủi ro ở mức cao – là điềm báo lớn nhất cho sự suy giảm của thị trường. Nhưng điều này lại hiếm khi được nhận thức tại thời điểm mà việc nhận thức nó – và trở nên thận trọng – là điều quan trọng nhất.
Cũng như mức độ thận trọng trước rủi ro không đủ lớn sẽ khiến các nhà đầu tư đẩy giá lên cao và “đu” đỉnh – điều sinh ra bởi quan niệm kiếm tiền quá dễ dàng trong một thế giới mà họ không nhận thấy có rủi ro gì xảy ra; thì khi mọi sự không được tích cực, họ lại đẩy giá xuống và bán khi giá chạm đáy. Trải nghiệm không mấy dễ chịu họ mới phải trải qua đã thuyết phục họ – trái ngược với những gì họ từng nghĩ khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp – rằng đầu tư là một lĩnh vực rủi ro mà họ không nên tham gia. Và kết quả là sự thận trọng với rủi ro của họ sẽ đi thẳng từ “không đủ lớn” đến “thái quá”.
Họ trở nên lo lắng. Cũng như việc chấp nhận rủi ro đã biến họ thành người mua tài sản bị định giá quá cao, bây giờ sự sợ hãi rủi ro khiến họ trở thành những người bán – chắc chắn không phải người mua nữa – khi giá tài sản chạm đáy.
Trong lúc hoảng loạn, con người dành 100% thời gian để chắc chắn rằng sẽ không có tổn thất xảy ra... đúng vào lúc họ nên lo lắng về việc có nguy cơ bỏ lỡ những cơ hội đầu tư tuyệt vời.
Trong thời điểm tiêu cực tuyệt đối, sự thận trọng quá mức với rủi ro có thể khiến cho giá xuống thấp hết mức, tới mức thua lỗ thêm rất khó có thể xảy ra và do vậy, rủi ro thua lỗ trở thành tối thiểu. Do vậy, khoảng thời gian an toàn nhất để mua vào thường sẽ đến khi mọi người tin rằng chẳng còn hy vọng nào nữa.
Bởi vì thái độ đối với rủi ro dao động từ cao xuống thấp, cho nên cơ hội tạo ra lợi nhuận hay thua lỗ cũng vậy. Khi mọi thứ tốt đẹp và giá tài sản bay cao, các nhà đầu tư thường nhìn về tương lai với viễn cảnh màu hồng, rủi ro như một người bạn và lợi nhuận có thể dễ dàng kiếm được. Mọi người đều có cùng một thái độ như nhau, có nghĩa là mức giá trở nên bất ổn định vì người ta ít để phòng rủi ro. Các nhà đầu tư trở nên dễ dàng chấp nhận rủi ro đúng vào lúc đáng ra họ nên thận trọng trước rủi ro.
Và khi các sự kiện trở nên bi quan, thái độ của các nhà đầu tư cũng vậy. Họ cho rằng thị trường là một nơi ném tiền qua cửa sổ, rủi ro trở thành thứ phải tránh bằng mọi giá và tiềm năng thua lỗ là một nguy cơ rất dễ xảy ra. Sự thận trọng quá mức khiến (a) không một ai chấp nhận những khả năng lạc quan và (b) họ cũng không thể đồng thuận rằng giả thuyết họ đưa ra là "quá tồi tệ" để có thể trở thành hiện thực".
Giống như mức độ chấp nhận rủi ro không có giới hạn khi đang ở trên đỉnh, giới hạn cũng không hề tồn tại khi ở mức đáy. Những sự kiện tiêu cực có thể khiến giá giảm xuống tới mức sự thua lỗ khó có thể xảy ra và lợi nhuận có thể đạt được trở nên khổng lồ. Nhưng nỗi đau từ sự suy giảm trước đó có xu hướng làm nhà đầu tư thêm thận trọng với rủi ro và khiến họ đứng ngoài cuộc chơi đúng vào lúc mức giá (và do đó rủi ro) đang ở mức thấp nhất.
Hiểu được các nhà đầu tư đang nghĩ gì và giải quyết rủi ro như thế nào có lẽ là điều quan trọng nhất cần quan tâm. Nói tóm lại, chấp nhận rủi ro một cách thái quá góp phần gây nên nguy hiểm, và dao động hướng tới thận trọng quá mức với rủi ro sẽ làm thị trường rơi vào cảnh chán nản, làm xuất hiện một vài cơ hội đầu tư tuyệt vời.
Sự biến động, hoặc thay đổi trong thái độ đối với rủi ro là kết quả của một vài chu kỳ, và là nguyên nhân gây ra hoặc làm tăng thêm mức độ của các chu kỳ khác. Nó sẽ luôn luôn tiếp diễn như vậy, bởi dưỡng nuôi tâm lý bản năng của hầu hết mọi người là trở nên lạc quan và dễ dàng chấp nhận rủi ro hơn khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp; và sau đó họ lại lo lắng, thận trọng với rủi ro khi tình hình đi xuống. Điều đó có nghĩa là mọi người sẵn sàng mua vào nhất khi họ đáng ra nên thận trọng nhất, và họ miễn cưỡng mua nhất đúng vào lúc họ nên xông xáo nhất. Những nhà đầu tư tài ba đã nhận ra điều này và luôn cố gắng hành động ngược chiều xu hướng.
Những thay đổi trong nguồn cung ứng vốn hoặc nguồn cung tín dụng là một trong những điều gây ảnh hưởng cơ bản nhất đến nền kinh tế, các công ty và thị trường. Mặc dù chu kỳ tín dụng ít được biết đến so với phần lớn các chu kỳ khác được thảo luận trong cuốn sách này, tôi vẫn đánh giá nó có tầm quan trọng rất lớn và sức ảnh hưởng sâu sắc.
Khi cửa sổ tín dụng mở ra, việc cấp vốn trở nên dễ dàng, nguồn cung ứng dồi dào và dễ sở hữu; nhưng khi nó đóng lại, hoạt động cấp vốn trở nên khan hiếm và ta rất khó nhận được chúng. Cuối cùng, một điều cần thiết luôn phải ghi nhớ là cánh cửa có thể chuyển từ trạng thái mở rộng sang trạng thái đóng sập ngay lập tức. Có rất nhiều điều cần biết để hiểu đầy đủ về chu kỳ này - bao gồm cả nguyên nhân gây ra những chuyển động có tính chu kỳ và tác động của chúng - nhưng điều trên là điểm mấu chốt nhất.
Thời kỳ thịnh vượng mở rộng việc cho vay, dẫn đến các khoản cho vay thiếu khôn ngoan, gây ra nhiều tổn thất lớn, điều này lại khiến những người cho vay dừng cho vay, dẫn đến kết thúc giai đoạn thịnh vượng và cứ tiếp tục như vậy.
Chìa khoá để giải quyết chu kỳ tín dụng nằm ở việc biết rằng nó đạt đến đỉnh điểm khi mọi thứ đã diễn ra tốt đẹp trong một khoảng thời gian, tin tức khả quan, mức thận trọng với rủi ro thấp và các nhà đầu tư thì háo hức hành động. Điều này khiến những người đi vay dễ dàng gọi vốn và khiến người mua cùng nhà đầu tư phải cạnh tranh để có cơ hội cung cấp khoản vay. Kết quả là xuất hiện những khoản tài trợ vốn giá rẻ, tiêu chuẩn tín dụng thấp, các giao dịch lỏng lẻo và mở rộng tín dụng thiếu khôn ngoan. Những người đi vay nắm ưu thế khi cửa sổ tín dụng mở rộng — chứ không phải người cho vay hay nhà đầu tư. Hàm ý của tất cả những điều này rất rõ ràng: Hãy hành động cẩn trọng.
Điều hoàn toàn ngược lại có thể trở thành hiện thực ở một điểm cực khác của chu kỳ tín dụng. Ta đạt tới cực tiểu khi xuất hiện những tín hiệu không mấy dễ chịu, sự thận trọng với rủi ro tăng cao và các nhà đầu tư trở nên chán nản. Trong bối cảnh như vậy, không ai muốn cung cấp vốn, thị trường tín dụng đóng băng, và những lời đề xuất vay vốn khó lòng được đáp ứng. Tình cảnh này lại đặt chìa khóa vào tay những nhà cung cấp vốn hơn là những người đi vay.
Bởi vì việc đi vay rất khó khăn và nguồn vốn nhìn chung không sẵn có, những người sở hữu vốn sẵn sàng cung ứng nó có thể áp dụng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, xây dựng cấu trúc khoản vay vững vàng, để ra các điều khoản bảo vệ và yêu cầu lợi nhuận cao. Những điều như vậy sẽ cung cấp một biên an toàn cần thiết để đầu tư vượt trội. Khi các điều kiện này được đảm bảo, các nhà đầu tư nên chuyển sang một thái độ quyết liệt hơn.
Các khoản đầu tư vượt trội không đến từ việc mua những tài sản chất lượng cao, mà đến từ việc mua vào khi thương vụ ngon ăn, giá thấp, lợi nhuận tiềm năng cao và rủi ro được giới hạn. Những điều kiện này thường xuất hiện khi thị trường tín dụng đang ở trạng thái ít hưng phấn và nghiêm ngặt hơn của chu kỳ. Dường như giai đoạn “đóng sầm cửa” của chu kỳ tín dụng sẽ góp phần tạo ra nhiều “món hời” hơn bất cứ nhân tố nào khác.
Giá trị của tài sản không quá ổn định và chắc chắn chúng không thể đủ mạnh để duy trì suốt thời gian dài. Không thể tránh được, cảm xúc của con người sẽ khiến giá tài sản - kể cả những tài sản có giá trị - thay đổi tới mức cực kỳ không bền vững: hoặc là cao một cách chóng mặt, hoặc là bị quan quá mức.
Nói tóm lại, đặt trọn niềm tin vào việc chu kỳ chắc chắn sẽ xảy ra như tôi đã thôi thúc có nghĩa là một số từ và cụm từ sẽ phải được loại bỏ khỏi kho từ vựng của các nhà đầu tư thông minh. Chúng bao gồm “không bao giờ”, “luôn luôn”, “mãi mãi”, “không thể”, “sẽ không”, “sẽ” và “phải”.
Khoảng 45 năm trước - vào thời kỳ đầu những năm 1970 - tôi đã nhận được một trong những món quà tuyệt vời nhất mà tôi từng được tặng, đó là khi một nhà đầu tư lớn tuổi và có kinh nghiệm cho tôi biết về “Ba giai đoạn của một thị trường tăng giá”:
- Giai đoạn đầu tiên: Khi chỉ một thiểu số người am hiểu khác thường tin rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
- Giai đoạn thứ hai: Khi hầu hết các nhà đầu tư đều nhận ra rằng những cải thiện đang thực sự diễn ra.
- Giai đoạn thứ ba: Khi tất cả mọi người cùng khẳng định rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp lên mãi mãi.
Sự xuất hiện của chân lý đơn giản này đã mở ra cho tôi khái niệm về các thái cực trong tâm lý của các nhà đầu tư và tác động của các thái cực đó đến chu kỳ của thị trường. Cũng giống như nhiều trích dẫn và các câu ngạn ngữ hay, chân lý trên cung cấp rất nhiều điều thông thái chỉ trong một vài từ đơn giản. Tất cả đều xoay quanh khả năng có thể thay đổi của thái độ, kiểu mẫu mà chúng diễn ra và cách mà chúng góp phần gây nên những sai lầm.
Trong giai đoạn đầu tiên, bởi vì hầu hết các nhà đầu tư đều không nhìn thấy khả năng cải thiện, nên tài sản không được định giá cao, giá chứng khoán chỉ thể hiện một ít hoặc không hề có chút tinh thần lạc quan nào hết. Thông thường, giai đoạn đầu tiên xảy ra sau khi giá tài sản bị “nghiền nát”, và chính xu hướng đi xuống làm giá giảm cũng đã hủy hoại tâm lý, làm những thành viên trong đám đông quay lưng lại với thị trường và khiến họ thề sẽ không bao giờ tham gia đầu tư nữa.
Mặt khác, vào giai đoạn cuối cùng, các sự kiện đã diễn ra tốt đẹp trong một khoảng thời gian rất dài – và điều đó được phản ánh đầy rõ nét trong mức giá của tài sản và tiếp tục nâng cao tinh thần của thị trường hơn nữa – đến mức các nhà đầu tư suy ra rằng sự cải thiện này sẽ không có hồi kết và họ đã đẩy giá tăng lên để thể hiện sự lạc quan của mình. Cây thường không vươn cao được lên tới bầu trời, nhưng trong giai đoạn này các nhà đầu tư hành động như thể chúng có thể phát triển được như vậy – và họ đưa ra mức giá để nhận về những tiềm năng không giới hạn mà họ nhận thấy. Không mấy điều lại phải trả giá đắt như việc trút tiền cho một cơ hội, nhưng hóa ra cơ hội đó đã bị đánh giá quá cao.
Từ điều trên, những người đầu tư ở giai đoạn đầu tiên – khi gần như không ai có thể nhìn thấy lý do để lạc quan – đã mua được tài sản ở mức giá hời, những tài sản mà sau đó có thể định giá lên cao. Nhưng những người mua ở giai đoạn thứ ba lúc nào cũng phải trả giá cao vì thị trường nhiệt huyết quá mức và kết quả là họ sẽ mất tiền.
Điều quan trọng nhất phải được chú ý là tâm lý lên tới cực điểm, sự sẵn có của tín dụng đạt mức tối đa, giá tối đa, lợi nhuận tiềm năng tối thiểu và rủi ro tối đa – tất cả chúng sẽ đạt cực điểm cùng một lúc, và thường những cực điểm này thường xuyên xảy ra đồng thời với cơn bộc phát mua vào cuối cùng.
Khi “đỉnh” của chu kỳ thị trường quay ngược lại, bây giờ chúng ta lại nhìn thấy tâm lý xuống mức thấp nhất, khả năng tiếp cận với tín dụng là con số 0, mức giá rơi xuống thấp nhất, lợi suất tiềm năng lên tới đa và rủi ro tối thiểu, tất cả cùng xảy ra ở dưới đáy – khi người người lạc quan cuối cùng cũng phải đầu hàng.
Bởi vì sự khái quát hóa vào thời kỳ khủng hoảng tài chính 2007-2008 trở nên tiêu cực, cỗ máy tạo-sai-lầm vận hành theo cách ngược lại. Không có lòng tham, chỉ có sự sợ hãi. Không có sự lạc quan, chỉ có sự bi quan. Không dễ dàng chấp nhận rủi ro, chỉ có thận trọng với rủi ro. Không sẵn lòng diễn giải một cách tích cực, chỉ có thể theo hướng tiêu cực. Không có khả năng tưởng tượng ra những kết quả tốt, chỉ có thể là những kết quả xấu.
Đáy của thị trường là gì? Đó là điểm mà chu kỳ đạt tới mức giá thấp nhất. Do vậy, đáy có thể được xem như ngày mà những người hoảng loạn cuối cùng cũng phải bán ra, hoặc ngày cuối cùng mà số người bán vượt trội số người mua.Từ dưới đáy, giá tăng lên, bởi vì không còn người nào cầm cổ phiếu để đầu hàng và bán ra nữa, hoặc bởi vì bây giờ người ta lại muốn mua nhiều hơn bán.
Khi một thị trường đi xuống như thác đổ, các nhà đầu tư có thể thường nghe thấy câu: “Chúng ta sẽ không cố gắng bắt dao rơi.” Nói cách khác: “Xu hướng đang đi xuống và ta không thể biết được khi nào nó sẽ dừng lại, vì vậy tại sao chúng tôi lại nên mua vào, trước khi có thể chắc chắn mình đã chạm tới đáy thị trường?" Tôi nghĩ điều mọi người đang thực sự nói là: "Chúng tôi sợ - cụ thể là sợ phải mua trước khi sự suy giảm dừng lại, và khiến tình hình xấu đi - vì vậy chúng tôi sẽ đợi cho tới khi ta chạm đáy thị trường, sự hỗn loạn lắng xuống và những điều không chắc chắn được giải quyết." Nhưng hi vọng rằng tới lúc này, tôi đã làm mọi thứ trở nên rất rõ ràng, đó là khi hỗn loạn lắng xuống và tâm trí nhà đầu tư trở nên ổn định, các món hời sẽ biến mất.
Thường là khi thị trường trượt xuống, bạn có thể mua nhiều nhất những gì bạn muốn, mua từ những người bán đã đầu hàng và khi những người không bắt dao rơi chỉ đứng ngoài lề. Nhưng một khi đường trượt chạm đáy, thì theo lý thuyết, chỉ còn rất ít người muốn bán và ở những phiên giao dịch tiếp theo, người mua lại chiếm ưu thế. Do vậy, việc bán trở nên hiếm hoi và những người mua sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng.
Việc tháo chạy khỏi thị trường sau một đợt giảm sút - và do đó, không được tham gia vào sự phục hồi mang tính chu kỳ - thật sự là một sai lầm chí mạng trong đầu tư.Trải qua sự thua lỗ điều chỉnh theo giá thị trường trong giai đoạn chu kỳ đi xuống không gây chết người, miễn là bạn vẫn kiên trì nắm giữ để thu lợi khi xu hướng đi lên. Khi sự dao động đi xuống bị chuyển hoá thành một khoản lỗ vĩnh viễn thông qua bán ra ở đáy, nó mới thực sự là điều khủng khiếp.
Do vậy hiểu được chu kỳ và có được những kỷ năng cảm xúc và tài chính cần thiết để vượt qua chúng là yếu tố thiết yếu của một phi vụ đầu tư thành công.