Trong tự nhiên, ta thường quan sát thấy khi nước thuỷ triều dâng cao, mọi thứ đều phát triển tươi tốt, bất kể là cây khoẻ mạnh hay ốm yếu. Nhưng khi nước thuỷ triều rút xuống, mọi cây cối sẽ khô cằn và héo úa dù cho có là cây khoẻ mạnh đi chăng nữa cũng sẽ không thoát khỏi tình cảnh chung.
Trong thị trường chứng khoán, cũng tồn tại một quy luật tương tự như vậy. Vậy trên thị trường chứng khoán, điều gì góp phần tạo ra dòng nước thuỷ triều đó?
Câu trả lời ở đây là lãi suất. Lãi suất sẽ quyết định dòng tiền, lãi suất thấp sẽ tạo ra dòng tiền rẻ, lan toả toàn thị trường như dòng nước thuỷ triều dâng cao làm trù phú những nơi mà nó đi qua. Ngược lại, khi lãi suất tăng cao, sẽ làm kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến dòng tiền, toàn thị trường sẽ giảm giá để phản ánh sự thiếu tiền và triển vọng kinh tế yếu kém. Dòng tiền trên thị trường sẽ cạn kiệt, tín dụng khó khăn, một lần nữa quy luật thuỷ triều lại một lần nữa ứng nghiệm. Tuy nhiên lần này thì thay vì mang lại sự trù phú, thuỷ triều rút xuống sẽ làm cho những rủi ro vốn là tiềm ẩn bắt đầu hiện ra và trở thành cơn ác mộng.
Vì vậy bài học ở đây là hãy đón đầu dòng tiền, đi theo dòng tiền như việc quan sát thuỷ triều, hãy để dòng nước thuỷ triều nâng bạn lên và mang bạn đến những miền đất hứa. Đồng thời, hãy biết tự bảo vệ bản thân và túi tiền của mình khi dòng thuỷ triều ấy rút đi.
Có một ai đó đã từng ví von việc đầu tư như công việc làm nông của người nông dân, nghe theo dòng thuỷ triều, khi thuỷ triều chuẩn bị lên, hãy gieo hạt, khi thuỷ triều chuẩn bị rút, hãy thu hoạch và chờ mùa vụ mới.
Tóm lại, nếu muốn trở thành một nhà đầu tư đi theo dòng thuỷ triều, bạn phải quan sát lãi suất. Vậy lãi suất này từ đâu mà có và ai là người quyết định chúng. Câu trả lời chính là Ngân hàng trung ương của các nước mà cụ thể ở đây chính là FED (Federal Reserve System) hay còn gọi là Cục dự trữ Liên bang, là Ngân hàng Trung ương Mỹ. Từ lịch sử có thể cho thấy, mỗi bước đi của FED đều gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Thậm chí, phố Wall còn truyền nhau một câu: "Đừng bao giờ chống lại FED". Vì vậy, việc quan sát nhất cử nhất động của FED đã nằm trong check-list (Danh sách những việc phải làm) hằng ngày của giới đầu tư. Có thể lấy một ví dụ gần nhất, đó chính là lần tăng lãi suất theo đường thẳng đứng của FED vào năm 2022 đã làm cho thị trường chứng khoán trên toàn thế giới chao đảo (khi đó thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã rơi từ 1500 điềm tạo về tạo đáy tại 875 điểm).
Khi những điều kiện của thị trường như lãi suất (nhân tố quan trọng nhất), lạm phát, kỳ vọng lợi nhuận, niềm tin, tâm lý nhà đầu tư bắt đầu thay đổi thì định giá doanh nghiệp(P/E) cũng phải được tính toán lại; từ đó làm thay đổi thị giá cổ phiếu. Như nhà kinh tế học Keynes đã từng nhắc nhở: sự ưu việt của chứng khoán không dễ có. Chúng chỉ sở hữu lợi thế khi có điều kiện nhất định (điều kiện chung: lãi suất thấp, kinh tế chính trị ổn định,…; điều kiện riêng: P/E thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng bình quân, P/B=<1, ROE > 20%, lợi thế cạnh tranh, ban quản trị minh bạch, bản cân đối kế toán mạnh, cổ tức ổn định).
Nói tóm lại, để đầu tư thành công, hãy biết lắng nghe và đi theo dòng tiền. Nơi nào có dòng tiền qua, sẽ như dòng nước thuỷ triều nâng con tàu đầu tư của bạn đến miền đất hứa.