Cách đây ít lâu, báo chí đã từng giật tít: "Đầu tư giá trị là một thuật ngữ thừa thãi". Điều này đã làm cho những nhà đầu tư theo trường phái giá trị phản ứng gây gắt. Trường phái đầu tư giá trị vốn được khởi xướng từ nhà đầu tư huyền thoại Benjamin Graham, tác giả cuốn sách nổi tiếng The Intelligent Investor (ở Việt Nam, được xuất bản dưới tên Nhà đầu tư thông minh). Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau thì không phải là không thể phát biểu như vậy.
Đầu tư bản chất là tìm kiếm giá trị, ít nhất là đủ để bù đắp cho số tiền bỏ ra và có một mức lợi nhuận nhất định. Việc trả nhiều hơn một cách có ý thức cho một cổ phiếu so với giá trị tính toán của nó, với hy vọng rằng nó sẽ sớm được bán đi với giá cao hơn, nên được gọi là sự đầu cơ. Thuật ngữ đầu tư giá trị vẫn đang được sử dụng với ý nghĩa rằng việc mua cổ phiếu có những thuộc tính sau đây: P/B thấp, P/E thấp, tỷ suất cổ tức cao. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư chọn cổ phiếu theo các tiêu chí như vậy đi nữa thì điều đó cũng không chắc chắn sẽ mang về cho họ một mức lợi nhuận hay thậm chí có thể thua lỗ nếu gặp phải một cổ phiếu "value trap" hay ta còn gọi là bẫy giá trị. Bởi vì cái gì rẻ cũng có lý do của nó. Trong trường hợp này, câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư có thực sự đang mua một cổ phiếu theo giá trị của nó hay không, và có đang thực hiện việc đầu tư của mình trên nguyên tắc đạt được giá trị trong khoản đầu tư này hay không.
Ở một khía cạnh khác, nếu một nhà đầu tư chọn một cổ phiếu có P/B cao, P/E cao, tỷ lệ cổ tức thấp, có được xem là không thuộc hàng ngũ nhà đầu tư giá trị hay không?
Vì vậy, việc phân biệt thành hai trường phái đầu tư giá trị và đầu tư tăng trưởng liệu có dư thừa và không cần thiết hay không?
Đầu tư bản chất là dùng nguồn lực hôm nay để mong muốn mang về một mức lợi nhuận trong tương lai. Vì vậy, cả đầu tư giá trị và đầu tư tăng trưởng đều nhằm cùng một mục đích là mang về một mức lợi nhuận trong tương lai. Nếu bạn đầu tư vào một cổ phiếu rẻ theo đúng tiêu chí "mẫu xì gà hút dỡ" của ngài Benjamin Graham, cha đẻ trường phái đầu tư giá trị, nhưng cuối cùng khoảng đầu tư đó lại không mang về được giá trị với những khó khăn không thể xoay chuyển của nó. Ở một nơi khác, một nhà đầu tư tăng trưởng đang theo đuổi một công ty đang tăng trưởng rất mạnh nhưng lại chưa mang về lợi nhuận và rồi đối thủ cạnh tranh xuất hiện ngày càng nhiều làm cho kỳ vọng mang về lợi nhuận trong tương lai của công ty này cũng ngày càng mờ mịt hơn. Sự tăng trưởng chỉ mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư khi doanh nghiệp có thể đầu tư và tạo ra mức lợi nhuận tích luỹ hấp dẫn, nói cách khác, chỉ khi mỗi đô la được sử dụng để đầu tư cho tăng tưởng tạo ra nhiều hơn 1 đô la giá trị.
Tóm lại, có thể phát biểu rằng trong đầu tư giá trị có bao hàm sự tăng trưởng và trong đầu tư tăng trưởng cũng có bao hàm giá trị. Đã là đầu tư thì phải mang về giá trị dù bạn chọn một công việc, một ngành nghề, hay cổ phiếu của một doanh nghiệp nào đi chăng nữa, dù cho đó là một công ty gặp khó khăn đang nỗ lực tái cấu trúc hay một doanh nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ. Đó chính là giá trị của việc đầu tư.